Tập đi là cả một quá trình chậm rãi, từ từ. Các con sẽ lần theo những bức tường, đồ đạc trong nhà, dần tạo ra sức mạnh cho đôi chân, học cách cân bằng và một ngày nào đó có thể hoàn toàn đứng vững. Ban đầu con sẽ chỉ bước được vài bước ngắn rồi lảo đảo như “ông say rượu” và lại ngồi phịch xuống sàn. Nhưng rõ ràng sau mỗi lần như vậy các con lại tự tin bước đi hơn.
Bác sĩ Honaker, cố vấn Y tế cấp cao của website yourdoctors.online và bác sĩ Jarret Patton, bác sĩ chuyên khoa nhi đã đưa ra lời khuyên để cân nhắc những việc bạn nên và không nên khi bé nhà mình đang trong tuổi tập đi.
Hãy đợi tới đúng thời điểm. Đừng vội. Nếu con chưa sẵn sàng thì tức là chưa sẵn sàng (Ảnh minh họa).
1. Không vội vã
Theo bác sĩ Honaker, một đứa trẻ cần đạt tới mốc phát triển nhất định trước khi các con sẵn sàng tập đi, ví dụ như việc con có thể tự đứng lên, ngồi xuống và tự đứng thẳng.
“Hãy đợi tới đúng thời điểm. Đừng vội. Nếu con chưa sẵn sàng thì tức là chưa sẵn sàng. Nếu trẻ khoảng 15-18 tháng mà vẫn chưa đi, lúc đó bạn cần lưu tâm nhưng trước tiên vẫn là không được quá lo lắng khi con chậm đi”.
2. Không dùng xe, khung tập đi
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã quy định rằng trẻ sơ sinh không được sử dụng xe tập đi hai lý do chính. Một là, những dụng cụ hỗ trợ đó không thực sự giúp trẻ em nhanh biết đi hơn và trên thực tế, nó có thể trì hoãn khả năng đi của các bé. Hai là, xe tập đi có thể làm tăng nguy cơ bị ngã xuống cầu thang, nguy cơ bị bỏng, hoặc thậm chí bị chết đuối (vì trẻ em chưa thể giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể khi xảy ra sự cố).
Bác sĩ Jarret nói rằng hãy bỏ qua các loại khung, xe tập đi: “Các thiết bị tập đi đó không giúp trẻ đi nhanh hơn, ngược lại là gây nguy hiểm. Trẻ em cần di chuyển tự do hơn. Còn các loại xe, khung tập đi hầu hết chỉ giúp trẻ phát triển cơ bắp. Nếu được dùng một cách phù hợp, các loại dụng cụ đó có thể hữu ích.”
3. Không phát triển cân bằng cho bé
Tất cả các loại cơ bắp liên quan tới hoạt động ngồi, đứng, đi của bé đều cần được phát triển để bé lớn lên khỏe mạnh!
Sự phát triển cân bằng giúp bé nhanh biết đi hơn (Ảnh minh họa).
Bác sĩ Honaker khuyên rằng: “Bạn có thể chơi với con trò nhún nhảy trên lòng bạn, đặt chân bé ở trước đùi của mình và nhún lên xuống như nhảy để đầu gối bé được linh hoạt, cơ đùi và chân của bé quen với các cử động gập, duỗi”.
Hoặc các bố mẹ có thể ngồi ngay xuống sàn, cùng luyện tập trò “thả – bắt” quen thuộc với con. Bác sĩ Honaker giải thích: “Bạn chỉ cần nắm lấy tay con, rồi hướng dẫn bé vài bước đầu, thả tay ra để con bước đi và đỡ bé nếu bé ngã”.
4. Đừng ngần ngại khi phải dọn dẹp đồ đạc!
Trẻ em rất thích đi vòng quanh nhà, bám vào đồ đạc và tìm tòi các ngóc ngách. Nếu bạn là kiểu người thích nhà cửa luôn gọn gàng thì đây là thời kỳ bạn buộc phải chấp nhận sự lộn xộn. Bác sĩ Honaker khuyên rằng: “Hãy xếp đồ đạc thành hàng để các con có thể khám phá! Sẽ không tốt nếu con cố với tới món đồ tiếp theo cách xa hàng mét. Tạm thời hãy đặt một chiếc ghế thành hàng để bé có thể dễ dàng lần theo như vượt chướng ngại vật”.
5. Không ngăn cấm trẻ đẩy đồ chơi
Theo Kendra Ped, một chuyên viên trị liệu vật lý chuyên khoa nhi, đồ chơi như xe đẩy có vẻ khá lộn xộn và làm bừa thêm căn phòng, nhưng loại xe này có lợi cho sự phát triển của bé. Đặc biệt với việc tập đi. “Để có thể bước những bước đầu tiên, xe đẩy đồ chơi giúp các bé nhìn thấy chân và bàn chân mình đứng được ra sao, các bé có thể bước đi một cách tự nhiên hơn”, Kendra Ped giải thích.
Xe đẩy đồ chơi giúp bé kiểm soát được bước đi của mình nên đây là dụng cụ được khuyên dùng thay vì mua xe tập đi tròn cho bé (Ảnh minh họa).
Theo bác sĩ Honaker, chỉ cần một chiếc “xe” bằng hộp các tông như thuyền có thể đẩy đi đẩy lại là đồ chơi tốt nhất cho trẻ độ tuổi tập đi, nó sẽ giúp bé kiểm soát được dễ hơn các loại xe đồ chơi chuyên dụng có vô lăng.
6. Quên ngợi bé
Bạn có từng “dụ” bé kiểu: “Lấy con búp bê đằng kia cho mẹ nào, ngoan nào, tài quá!”. Đó là những lời khích lệ tích cực đối với những đứa trẻ đang tập đi.
Bác sĩ Honaker khẳng định là trẻ em và cún con có vài điểm chung: Đó là các bé phản ứng rất tích cực với sự khích lệ: “Khen ngợi là điều vô cùng quan trọng. Hãy thống nhất theo phương pháp tăng tiến: Không thưởng cho bé lần thứ nhất, vỗ vào lưng bé lần kế tiếp và thưởng “quà khích lệ” bằng một món đồ chơi nhỏ cho bé vào lần tiếp theo. Thể hiện sự tán thưởng của bạn vào mỗi dịp khác nhau”
7. Không cho trẻ tập đi ở những nơi thiếu an toàn
Sự thật là khi bé tập đi, bé sẽ bị ngã, ngã nhiều là đằng khác. Nhưng bạn cần phải đảm bảo là bé luôn được giám sát và môi trường xung quanh luôn an toàn.
Bác sĩ Jerret cảnh báo: “Bạn không nên để bé đi trên mặt bàn hoặc mặt các loại tủ cao trong nhà, việc này nguy hiểm chứ không có lợi gì. Bạn chỉ cần bạn dẫn bé tập đi trên mặt đất, mặt sàn là đủ”.
Nguồn: Romper